Liệu bạn có đắn đo về tính an toàn của các giao dịch kinh tế, giao dịch dân sự đã được công chứng? Hiện nay, việc sử dụng các văn bản công chứng diễn ra rất thường xuyên, phổ biến trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên công chứng là gì? Giá trị pháp lý của nó ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những vấn đề này cụ thể.
Công chứng là gì?
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, “công chứng” là một hoạt động mang tính pháp lý của công chứng viên thuộc một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:
+ Tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản
+ Tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại.
Do đó, khi đã được công chứng thì những nội dung đề cập trong hợp đồng, giao dịch không cần phải chứng minh lại, trừ trường hợp Tòa án tuyên bố vô hiệu.
Hoạt động công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người yêu cầu công chứng
Văn bản công chứng là gì?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, “văn bản công chứng” là hợp đồng, bản dịch, giao dịch dân sự khác đã được chứng nhận bởi công chứng viên theo luật định.
Giá trị pháp lý của bản bản công chứng là gì?
Theo quy định tại Điều 5 Luật công chứng 2014, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và có giá trị thi hành đối với các bên liên quan.
Giá trị chứng cứ của văn bản công chứng
Giá trị chứng cứ của văn bản công chứng được thể hiện ở các điểm sau:
– Các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng thì đương nhiên được pháp luật thừa nhận: tình tiết, sự kiện được ghi nhận trong văn bản công chứng sẽ không phải chứng minh khi có xảy ra tranh chấp.
– Việc thực hiện công chứng được xem là một trong những điều kiện bắt buộc trong một số trường hợp để hợp đồng có hiệu lực.
Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng nếu các bên không thực hiện công chứng giao dịch theo quy định thì hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu do vi phạm về mặt hình thức. Hậu quả là các bên sẽ phải chấm dứt hợp đồng và bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại theo quy định của Pháp luật về dân sự.
Hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan của văn bản công chứng
Giá trị thi hành của văn bản công chứng không chỉ đối với các bên trực tiếp thực hiện giao dịch mà còn có hiệu lực đối với các bên liên quan đối với giao dịch (các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Lưu ý: Việc thực thi này không phân biệt văn bản công chứng do Phòng công chứng hay văn phòng công chứng chứng nhận.
Trên thực tế, các văn bản công chứng luôn có giá trị thi hành đối với các bên có liên quan. Đa phần các bên sau khi thực hiện ký hợp đồng, giao dịch đều tuân thủ đầy đủ các quy định, điều khoản của hợp đồng.
Nhờ thủ tục chặt chẽ, nghiêm ngặt khi tạo lập và chứng nhận văn bản công chứng – là cơ sở pháp lý ghi nhận sự thỏa thuận và ý chí của các bên tham gia mà các tình tiết, sự kiện nêu trong văn bản đã được công chứng có giá trị pháp lý cao hơn hẳn so với những nguồn chứng cứ khác. Bởi vậy, đây được xem là nguồn tài liệu-chứng cứ rất quan trọng
Ý nghĩa của văn bản công chứng?
Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành và có giá trị chứng cứ. Do đó, việc sử dụng các bản hợp đồng, giao dịch có công chứng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, phòng ngừa rủi ro và tranh chấp, làm cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Từ đó tạo ra hành lang pháp lý an toàn góp phần đảm bảo ổn định các giao dịch trong đời sống, ổn định xã hội. Hơn nữa, với việc đảm bảo tính xác thực và độ tin cậy cao của các giao dịch, văn bản công chứng tạo nên sự tin tưởng của khách hàng. Khi phát sinh tranh chấp giữa các bên mà không giải quyết, bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.