“Giấc mơ Mỹ” hay chuyến bay đến Anh là ước mơ của nhiều người đang ấp ủ dự định đi du học. Tuy nhiên, không phải ai cũng có định hướng này từ sớm. Đang học đại học ở Việt Nam rồi, có nên đi học tiếp bậc thạc sĩ ở nước ngoài? Hay nên đi du học bậc cử nhân hay thạc sĩ? Chúng tôi sẽ đưa ra những gợi ý cho bạn trong bài viết dưới đây.
Lý do nên du học bậc thạc sỹ
Tại sao nên đi du học bậc thạc sĩ? Nếu đi du học ở tuổi 18, bạn vẫn chưa có đủ kinh nghiệm sống để có thể mạnh mẽ vượt qua những biến cố có thể gặp phải khi đặt chân đến một đất nước xa lạ. Ngược lại, ở tuổi 22, 23 hay 24, bạn vừa có đủ vốn sống, vừa có đủ kỹ năng để giải quyết tốt các vấn đề gặp phải. Hơn nữa, ở độ tuổi đó, bạn có khả năng tự lập, tự quản lý tài chính và tự kiếm tiền để chi trả cho sinh hoạt phí của mình.
Bên cạnh đó, sau khi học hết bậc đại học, bạn đã có định hướng về con đường phát triển sau này. Từ đó, có những lựa chọn đúng đắn hơn về ngành học và ngôi trường nên theo học.
Tại sao nên đi du học bậc cử nhân?
Nếu muốn du học bậc cử nhân, bạn có thể nộp hồ sơ khi đang học lớp 11, 12 hoặc sau khi học hết năm nhất, thậm chí là năm hai đại học.
Ở bậc học này, hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá ở mức độ tổng quan trên nhiều lĩnh vực, nhìn vào tương lai và tiềm năng hơn là kinh nghiệm của bạn. Họ hoàn toàn chấp nhận nếu hiện tại bạn chưa xác định mình sẽ làm gì, bạn đã chọn được ngành học phù hợp nhất hay chưa. Chỉ cần bạn thể hiện được mục tiêu, chí hướng, tiềm năng của mình trong tương lai là bạn đã có cơ hội.
Ngược lại, nếu apply đi học ở bậc thạc sĩ, hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá bạn như một người trưởng thành, đã có khả năng đưa ra quyết định vững chắc cho tương lai nên sẽ có những yêu cầu cao hơn đối với hồ sơ của bạn.
Vậy thời điểm thích hợp nhất để đi du học là…
Câu trả lời này tùy thuộc vào mỗi người. Khi còn trẻ, bạn sẽ không ngại bước ra khỏi vùng an toàn, đi đến một đất nước mới để tìm cơ hội phát triển cho bản thân. Vì thế những trở ngại về tâm lý có lẽ cũng không làm khó bạn nếu quyết định đi du học ở bậc đại học. Tương tự, đi du bậc thạc sĩ cũng có những ưu điểm riêng.
Chính vì thế, hãy xem xét kỹ hồ sơ của bản thân (bao gồm học lực, hoạt động xã hội hoặc kinh nghiệm làm việc) để biết được mình có đáp ứng được yêu cầu của trường hay không. Tiếp đến là cân nhắc về mặt tài chính. Cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất bạn cần tự tìm câu trả lời: liệu mình có sẵn sàng để đối mặt với những khó khăn khi đi du học hay chưa?
Giả sử, kết quả học tập của bạn ở bậc THPT chưa đủ đáp ứng điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ thì cũng đừng lo lắng. Hãy cố gắng cải thiện thành tích trong quá trình học đại học ở Việt Nam và apply du học bậc thạc sĩ bạn nhé!
Xem xét kỹ khả năng của mình để quyết định đi du học bậc đại học hay thạc sĩ
Du học bậc đại học hay thạc sĩ là tùy thuộc vào khả năng và mục tiêu của mỗi người. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên, bạn sẽ sớm tìm ra định hướng đúng đắn cho con đường học tập và phát triển của mình. Chúc các bạn thành công!
Đi du học cần chuẩn bị những gì?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu những hành trang cần thiết mà bạn cần có trong quá trình nộp hồ sơ đi du học. Từ đó, bạn sẽ có cơ sở để cân nhắc xem bản thân có phù hợp để xin đi học ở nước ngoài hay không.
Chuẩn bị về kiến thức
Đây là điều rất quan trọng trong hồ sơ xin đi du học của bạn. Nó quyết định phần lớn đến việc nguyện vọng của bạn có được trường bên đó chấp nhận hay không.
- Học lực: Kết quả học tập của bạn phải đạt tối thiểu mức học lực khá. Nếu bạn có điểm trung bình – GPA càng cao thì cơ hội nhận được các học bổng giá trị càng lớn.
- Năng lực ngoại ngữ: Nhiều quốc gia hiện nay yêu cầu trình độ ngoại ngữ tương đương 6.0 – 6.5 IELTS trở lên. Thậm chí ở các bậc học cao, mức điểm này còn được nâng lên là 7.0 – 7.5 IELTS. Một số chương trình học tập ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nga,… còn có thể yêu cầu bạn học ngôn ngữ của quốc gia họ sau khi chính thức nhập học tại đó.
Chuẩn bị về tài chính
Có 2 hình thức du học là du học học bổng và du học tự túc. Đối với hình thức đầu tiên, bạn sẽ được hỗ trợ một phần hoặc toàn phần đối với học phí và chi phí sinh hoạt. Còn nếu chọn du học tự túc, bạn sẽ phải chi trả toàn bộ những chi phí liên quan đến việc du học của mình. Chính vì vậy, bạn cần cân nhắc xem tài chính của gia đình hay của bản thân có thể đáp ứng được yêu cầu này hay không. Bạn có thể tìm hiểu kĩ học phí cho toàn bộ chương trình học và sinh hoạt phí hàng tháng trên các trang web tư vấn du học.
Chuẩn bị về tâm lý
“Sốc văn hóa” là cụm từ thường được dùng để nói về tâm lý của các du học sinh khi mới chuyển đến một đất nước xa lạ. Vì thế, bạn cần chuẩn bị tâm thế vững vàng, cũng như tìm hiểu trước về văn hóa, lối sống và con người ở nước sở tại. Bên cạnh đó, sống một mình ở nước ngoài đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và phải tự tìm cách để giải quyết nó. Hãy tự hỏi bản thân rằng liệu mình có đủ mạnh mẽ và đủ kỹ năng để vượt qua các vấn đề đó hay không.