Hoành phi Hán Nôm với không gian nhà Việt

hoành phi hán nôm

Hiện nay, ở nước ta các công trình kiến trúc hiện đại không ngừng mọc lên. Tuy nhiên, những kiến trúc đình, chùa, miếu, nhà thờ họ cũng không vì thế mà mai một. Những kiến trúc truyền thống này có rất nhiều các nét đặc sắc, một trong số đó không thể không kể tới sự hiện diện của chữ Hán trên các bức hoành phi.

Cùng tìm hiểu những nét độc đáo của các bức hoành phi bằng tiếng Hán trong văn hóa Việt.

Hoành phi là gì?

Hoành phi 橫扉 nguyên nghĩa là bảng nằm ngang với HOÀNH 橫 là ngang, PHI 扉 là phô bày. Hoành phi là những tấm biển gỗ có hình thức trình bày theo chiều ngang, treo trên cao bên ngoài các gian thờ tại đình chùa, từ đường… Thường ở trên đó khắc từ 3 đến 4 chữ đại tự (chữ lớn). Hoành phi còn có nhiều tên gọi khác: hoành, biển, biển ngạch, bài biển.

Tùy vào từng không gian thờ cúng có thể treo một, hai hay ba bức Hoành phi. Ví dụ: tại phòng thờ trong gia đình thường treo 1 bức nhưng nhà thờ họ hoặc đền chùa thì có thể treo tới 2 hoặc 3 bức.

Các loại Hoành phi – Vị trí treo Hoành phi:

Có hai loại hoành phi khá phổ biến ở nước ta: hoành phi trang trí và hoành phi thờ tự.

Hoành phi trang trí thường được treo ở phòng khách hay ở chính đường (gian giữa của tòa nhà), vừa để trang trí, vừa thể hiện một tín niệm nào đó của chủ nhân, có khi là một lời khuyên dạy của tiền nhân với hậu duệ trong gia tộc.

Hoành phi thờ tự là loại hoành phi phổ biến trong các đình chùa, miếu vũ, nhà thờ họ tộc… Đó có thể là những biển ngạch định danh những nơi này, hoặc là những danh ngôn, mỹ tự được thờ phụng, tôn trí trang nghiêm.

Chữ trên Hoành phi gồm: dòng chữ lớn (Đại Tự) và dòng chữ nhỏ (Lạc Khoản)

  • Đại Tự: có nội dung thể hiện lòng tôn kính với tổ tông, bề trên, thần thánh… với các câu phổ biến như:

万古英靈 Vạn cổ anh linh (muôn thuở linh thiêng)

德流光  Đức lưu quang: Đức sáng lưu giữ muôn đời.

飲 河 思 源 Ẩm hà tư nguyên (uống nước nhớ nguồn)

福满堂 Phúc mãn đường (phúc đầy nhà)

  • Lạc Khoản: chữ nhỏ hơn được ghi ở một hoặc hai bên bức hoành phi. Phía bên phải ghi năm lập, phía bên trái ghi người lập. Dòng chữ Lạc Khoản này sẽ cho chúng ta biết thông tin về chủ nhân của hoành phi, người viết, người tặng, sự kiện tạo ra bức hoành phi đó, về thời gian xây dựng đình, đền, nhà thờ họ…

Đại tự: 木 本 水 源  Mộc bản thủy nguyên (cây có gốc, nước có nguồn)

Lạc khoản: 丙申年仲秋

Bính Thân niên, trọng thu

(Tháng 8 năm Bính Thân)

Kiểu dáng của Hoành Phi

hoành phi hán nôm
hoành phi hán nôm

Hoành phi có nhiều loại, có bức hoành phi sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt.

Hoành phi được làm bằng gỗ không mọt (như gỗ gụ, gõ gổi, gỗ mít …), được chạm lộng, chạm đắp, gắn kết với nhau thông qua ngàm mộng chứ không dùng đinh. Hoành phi cổ thường được cấu tạo theo hai dạng chính là dạng hình chữ nhật và hình cuốn thư, ngoài ra còn có bức dạng chiếc khánh, hình ô van. Hoành phi còn được làm bằng tơ lụa thêu nhiều màu sắc. Ngày nay, người ta còn dùng cả chất liệu đá, ximăng để viết hoành phi.

Hình trang trí trên các bức hoành phi như tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc), hình quyển sách và cây bút, hình thanh gươm…

Xem thêm: Dịch thuật Hán Nôm cổ – vai trò và khó khăn

Nội dung của hoành phi

Để bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên (孝 為先 Hiếu vi tiên (Đạo hiếu là trên hết) và những người có công với đất nước hoặc để chúc tụng (僧財進禄 Tăng tài tiến lộc (được hưởng nhiều tài lộc); 福禄壽成 Phúc lộc thọ thành (được cả phúc, lộc, thọ); 家門康泰 Gia môn khang thái (cửa nhà rạng rỡ yên vui). Ở các nhà thờ họ, kiểu hoành phi phổ biến là đại tự viết tên của từ đường của dòng họ nào, chẳng hạn 阮曰族 Nguyễn Viết tộc (dòng họ Nguyễn Viết), 阮廷族 Nguyễn Đình tộc (Dòng họ Nguyễn Đình), 黎有族 Lê Hữu tộc (Dòng họ Lê Hữu).

Xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa nhưng những giá trị thuộc về truyền thống của dân tộc, là tinh hoa được đúc kết từ ngàn đời của ông cha vẫn luôn cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện đại hóa cho con người sự tiện nghi, còn các yếu tố mang tính chất truyền thống thì vun đắp xây dựng cho con người lòng biết ơn, nhắc nhở về những giá trị cội nguồn của dân tộc, là tài nguyên do tổ tiên truyền lại. Hiện nay do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan mà các giá trị văn hóa vật thể đang bị mai một. Mỗi cá nhâ, tập thể, cơ quan tổ chức cần nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc trong đó có các bức hoành phi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *