Dịch thuật Hán Nôm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Toàn bộ tư liệu Hán Nôm bao gồm thư tịch và các loại khác như châu bản, địa bộ, sắc thần, hương ước, bia đá, chuông đồng, khánh đá, câu đối, hoành phi, …vv là di sản văn hóa thành văn vô cùng quý báu mà tổ tiên ta để lại từ ngàn đời. Đó là tư liệu phản ánh tư duy, văn hóa của tiền nhân ta.
Vai trò và ý nghĩa của dịch thuật Hán Nôm
Chữ Nôm là một hệ chữ ngữ tố từng được dùng để ghi tiếng Việt. Nó bao gồm bộ chữ Hán phồn thể để viết các từ Hán – Việt và dựa theo quy tắc ký âm của chữ Hán phồn thể để tạo ra các ký tự mới để viết các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán phồn thể.
Trong một vài nghiên cứu ở thập niên 90, các học giả căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới kết luận rằng âm Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời nhà Đường – nhà Tống thế kỷ thứ 8 – 9. Và nếu âm Hán Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi cố định cách đọc Hán Việt (xét chữ Nôm với tư cách hệ thống văn tự) và chỉ có thể ra đời sau khoảng thế kỷ thứ 10 khi người Việt thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938.
Ban đầu khi mới xuất hiện, chữ Nôm thuần túy mượn dạng chữ Hán y nguyên để ghi âm tiếng Việt cổ (mượn âm để chép tiếng Quốc âm). Phép đó gọi là chữ “giả tá”. Dần dần phép ghép hai chữ Hán lại với nhau, một phần gợi âm, một phần gợi ý được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Phép này gọi là “hài thanh” để cấu tạo chữ mới.
Về văn bản, khi tìm chứng tích trước thời nhà Lý, văn tịch hoàn toàn không lưu lại dấu vết chữ Nôm nào. Sang thời Lý thì mới có một số chữ Nôm như trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (tạc năm 1173 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11) hay bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng (nay thuộc Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông).
Trước tác thì phải sang thời nhà Trần mới có dấu tích rõ ràng. Hàn Thuyên là người có công lớn phát triển thơ Nôm thời kỳ này với việc mở đầu thể Hàn luật. Ông cũng đặt ra quy luật bằng trắc (平/仄) cho các thanh tiếng Việt trong thơ.
Văn hoá Hán Nôm là văn hoá bác học. Bên cạnh dòng văn hoá thành văn này, còn có một dòng văn hoá khác hình thành từ thời tiền sử, khi người Việt chưa có chữ viết, đó là văn hoá dân gian. Văn hoá dân gian kế thừa những truyền thống văn hoá cộng đồng từ lâu đời, tồn tại và phát triển trong dân gian, trong các cộng đồng làng xã, bao gồm văn học dân gian truyền khẩu (các truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ…), các tục thờ cúng (tín ngưỡng dân gian), các lễ hội, dân ca (dân ca Quan họ, hò Huế, dân ca Nam Bộ…), sân khấu dân gian (hát chèo, múa rối nước…), phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống, ẩm thực, trang phục, nhà ở… Văn hoá dân gian không ngừng phát triển qua sự giao lưu với các nền văn hoá khác trong khu vực và trên thế giới, và tiếp thu những giá trị mới, đồng thời điều chỉnh và cách tân những giá trị đã có cho phù hợp với những biến đổi của xã hội.
Bằng việc dịch thuật Hán Nôm chúng ta có thể nghiên cứu di sản văn hoá của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời trong nhân dân, từ đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa quý báu mà ông cha để lại. Nghiên cứu Hán Nôm sẽ bổ sung cho nghiên cứu văn hoá dân gian, đồng thời tiếp thêm bề dày lịch sử cho văn hoá quốc ngữ. Nếu không có di sản văn hoá Hán Nôm, làm sao chúng ta có thể tự hào dân tộc ta có trên một ngàn năm văn hiến? Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân ta, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, một điều rất quan trọng trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán Nôm sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá Việt Nam. Không chỉ ở thời điểm hiện tại mà trong tương lai văn hóa Hán Nôm vẫn mang lại những giá trị to lớn cho dân tộc, đất nước.
Những khó khăn của dịch tiếng Hán Nôm cổ
Những tài liệu ghi bằng chữ Hán Nôm cổ giữ vai trò vô cùng quan trọng và rất cần được khai thác thêm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn gần 100 học giả trên toàn thế giới có thể đọc được chữ Nôm. Sự tái sinh văn hóa cổ là nét tích cực trong sinh hoạt văn hóa ngày nay. Nhiều người đã ý thức hơn về những giá trị của nền văn hóa Hán Nôm xưa. Nhiều người già sau khi nghỉ hưu, nhiều bạn trẻ trong khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã chủ động học chữ Hán, chữ Nôm để tìm lại những giá trị nhân văn của văn hóa cổ truyền. Nhiều di tích, đình chùa, miếu mạo trong quá trình xây dựng, trùng tu cũng đã thể hiện sự mong muốn tìm lại nguồn mạch tâm linh xưa cũ. Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan, cho đến nay năng lực dịch tiếng Hán Nôm của vẫn là còn một câu hỏi bởi năng lực yếu kém trong nghiên cứu, cập nhật công nghệ thông tin.
Một trong những khó khăn khác trong quá trình dịch tiếng Hán Nôm đó chính là hầu hết các tài liệu Hán Nôm (bao gồm cả văn tự, bia, bản khắc mộc, ấn, triện..) qua thời gian dài đã có dấu hiệu xuống cấp, không nhìn rõ mặt chữ, đây cũng là một trong những yếu tố làm cho quá trình dịch tiếng Hán Nôm kéo dài hơn do người dịch phải vừa căn cứ tài liệu vừa phải phỏng đoán các ký tự còn thiếu để đưa ra các phương án dịch có mà ý nghĩa có thể là tối ưu và sát với văn bản gốc nhất.
Điều đáng tiếc nhất đã xảy ra với câu đối là tình trạng thất tán do đổ, sập hoặc do gia chủ sửa chữa, thay đổi chỗ ở. Nếu như câu đối khắc, chạm trên gỗ có thể giữ lại, di chuyển thì những câu đối khắc trực tiếp trên cột trụ bêtông chắc chắn phải đối mặt với án tử khi công trình đó bị phá. Gần đây, với sự hỗ trợ của các phương tiện lưu trữ như điện thoại thông minh, rất nhiều gia chủ đã có ý thức lưu giữ, chụp hình ghi lại những cột trụ có câu đối bị phá, song không phải ai cũng đủ điều kiện và cơ duyên để tái tạo lại chúng. Điều này đã khiến cho một phần lớn câu đối chữ Hán ở các công trình nhà ở tư nhân bị mất và dần mai một.
Xem thêm: Kỹ năng quan trọng khi dịch thuật tiếng Trung