“Công chứng sơ yếu lý lịch” mà mọi người hay gọi chính xác phải là chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch. Anh/chị cần công chứng sơ yếu lý lịch để hoàn thiện hồ sơ xin việc nhưng chưa biết công chứng ở đâu? Cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Và thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch ra sao?
Tại sao cần công chứng sơ yếu lý lịch?
Sơ yếu lý lịch (lý lịch trích ngang, sơ yếu lý lịch tự thuật) nó là bản tự khai khái quát cũng như chi tiết những thông tin liên quan đến cá nhân người khai: Họ tên, giới tính, ngày sinh, nghề nghiệp của cá nhân cũng như nhân thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh/chị/em ruột, con cái,…). Sơ yếu lý lịch hiện nay là giấy tờ bắt buộc để hoàn thiện hồ sơ xin việc hoặc trong một số thủ tục hành chính nhất định.
Tại sao Sơ yếu lý lịch cần công chứng?
Bởi vì, sơ yếu lý lịch là bản tự khai (tự thuật) nên nó không hề có bất cứ một giá trị pháp lý nào. Do đó, hồ sơ của anh/chị sẽ không được chấp nhận bởi các nhà tuyển dụng hay các cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Vậy nên, bản sơ yếu lý lịch cần phải có chữ ký và con dấu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (được chứng thực) thì mới đảm bảo đủ giá trị về mặt pháp lý.
Công chứng sơ yếu lý lịch ở đâu?
Theo quy định tại điều 15 Thông tư số 01/2021/TT-BTP của Bộ Tư Pháp, chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân (thường hay gọi là công chứng hồ sơ lý lịch) được áp dụng theo quy định về chứng thực chữ ký theo Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của chính phủ. Do đó, việc chứng thực sơ yếu lý lịch hoàn toàn không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Tham khảo thêm: công chứng điện tử
Nơi công chứng sơ yếu lý lịch ở những nơi dưới đây:
- Uỷ ban Nhân dân cấp (phường, xã) bất kỳ gần với anh/chị nhất (đó có thể không cần phải là Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi anh/chị tạm trú hay thường trú).
- Phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng gần nhất.
- Phòng tư pháp (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) gần nhất.
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài).
Cần chuẩn bị giấy tờ gì khi đi công chứng sơ yếu lý lịch?
Theo quy định tại Điều 24 Nghị Định số 23/2015/NĐ-CP, trước khi đi xin công chứng sơ yếu lý lịch, anh chị cần chuẩn bị cho mình những loại giấy tờ sau:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ tuỳ thân (CMND/ Hộ chiếu còn giá trị sử dụng, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu)
- Bản tự khai sơ yếu lý lịch đầy đủ, chính xác các thông tin: Ảnh 4×6; thông tin cá nhân (họ tên, giới tính, năm sinh, chỗ ở, nguyên quán, nghề nghiệp, hộ khẩu thường trú, dân tộc, số CMND,trình độ văn hóa…); quan hệ gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, anh/chị/ em ruột, con cái,…); quá trình học tập, làm việc,…
Lưu ý: Người tự khai lý lịch phải gạch chéo đối với những mục không có nội dung trong tờ khai (tránh chỉnh sửa, thêm bớt) trước khi yêu cầu chứng thực.
Thủ tục công chứng sơ yếu lý lịch?
Chứng thực sơ yếu lý lịch bản chất cũng là một hoạt động mang tính pháp lý nên cần phải tuân theo những thủ tục nhất định do pháp luật quy định. Cụ thể, theo quy định tại điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thủ tục công chứng sơ yếu lý lịch như sau:
Xuất trình giấy tờ, hồ sơ cá nhân trước khi công chứng sơ yếu lý lịch.
Người yêu cầu công chứng xuất trình các giấy tờ liên quan: bản chính hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ tùy thân (CMND/ Hộ chiếu còn giá trị sử dụng, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu); bản sơ yếu lý lịch tự khai (theo mẫu do pháp luật quy định).
Kiểm tra hồ sơ và thực hiện công chứng sơ yếu lý lịch.
Người thực hiện chứng thực kiểm tra hồ sơ và thực hiện chứng thực theo đúng quy định của pháp luật:
- Không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch mà chỉ ghi lời chứng thực theo mẫu luật định.
- Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Chúng tôi hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp anh/chị giải đáp được những thắc mắc về vấn đề chứng thực sơ yếu lý lịch và có thể chuẩn bị được cho mình hồ sơ, giấy tờ cần thiết.