3 kiểu biên dịch viên được nhà tuyển ưa thích

Nếu bạn nghĩ rằng nghề biên phiên dịch là nghề phù hợp với tất cả mọi người thì sau bài viết này bạn sẽ phải thay đổi cách nhìn của mình rồi đó. Nghề biên phiên dịch, đặc biệt là những bạn làm tự do có thể nói là nghề  “làm dâu trăm họ”. Khách hàng rất đa dạng, lĩnh vực dịch cũng rất phong phú. Ngoài việc trau dồi ngoại ngữ mà bạn đang theo đuổi, bạn sẽ phải cần rèn thêm một số tư duy và kỹ năng khác để có thể sống với nghề và tạo ra những nấc thang trên con đường sự nghiệp của mình.

Kiểu biên dịch viên được nhiều nhà tuyển dụng thích.

Hơn 10 năm làm biên dịch lẫn phiên dịch viên cho các doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là HQ) lẫn làm freelancer cho mình cơ hội gặp gỡ rất nhiều người thành công trên con đường này. Tựu chung lại, họ có vài đặc điểm sau.

Biên dịch viên là người cầu toàn.

Một văn bản dịch được người biên dịch đầu tư thời gian và công sức sẽ rất khác với một văn bản qua loa, dịch cho xong. Mặc dù nhiều khách hàng không thể hiểu ngôn ngữ bản địa để kiểm tra xem người dịch có chuyển ngữ đúng không nhưng họ hoàn toàn có thể đọc xem câu chữ có dễ hiểu không, văn phong có đúng thể loại nội dung cần dịch không; khi đọc vào có cảm thấy trúc trắc không, tổng thể toàn bài dịch có mạch lạc không, có chỗ nào mâu thuẫn hay gây hiểu lầm không.

Một văn bản cần kiến thức chuyên môn như sách trắng, pháp lý, y học, phẫu thuật sẽ cần kỹ năng sử dụng câu, từ của người dịch rất rõ. Tản văn hay sách self-help sẽ cho thấy rõ biên dịch viên có kiến thức hoặc có đọc các sách cùng thể loại không. Bởi lẽ thể loại này đòi hỏi khả năng chọn từ của người dịch rất lớn. Dịch sao cho vẫn truyền tải được thông điệp của tác giả chứ không đơn thuần chỉ là dịch nghĩa đen mà vẫn không sáo rỗng hay quá đơn điệu. Ấy là chưa kể đến một số tác giả lớn với kiến thức uyên bác, họ thường sử dụng rất nhiều lối ẩn dụ, hoán dụ..khiến một người dịch thiếu kinh nghiệm sẽ không thể hoàn thành bản dịch một cách xuất sắc được.

Nếu tác giả phải chỉnh sửa vài chục lần mới có thể đưa bản thảo cho nhà xuất bản thì người biên dịch có thể phải dùng gấp đôi thời gian ấy để khiến bản dịch của mình hoàn chỉnh.

Xem thêm: Biên dịch viên là gì?

Biên dịch viên là người có tư duy, ham học hỏi.

Nhân vô thập toàn, lúc nào cũng phải có tinh thần học hỏi. Đối với một người làm tự do, mỗi lần nhận 1 job là một lần được học thêm một kiến thức mới. Không lần nào, nội dung của một ca phiên dịch giống nhau hoàn toàn. Có thể các job cùng chủ đề sẽ dùng lại cùng nhóm từ vựng nhưng yêu cầu của khách hàng, nội dung truyền tải là hoàn toàn khác nhau. Lĩnh vực mà một phiên dịch tự do cũng rất đa dạng từ thương mại, kinh tế, du lịch, đào tạo đến kết hôn, tranh chấp tài sản, nấu ăn..đông tây kim cổ đều đủ cả. Trong các cuộc gặp gỡ giữa hai bên đối tác đôi khi còn phải dịch cả thơ, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao…Cách tốt nhất để các “nàng dâu” phiên dịch có thể vượt qua cửa ải của các “mẹ chồng” là học và học hỏi không ngừng. Cái nghề “ làm dâu trăm họ” này rất hại não mà cũng rất thú vị.

Biên phiên dịch viên nào trang bị cho mình tâm thế “ tôi sẵn sàng học bất cứ lúc nào” sẽ dễ tìm thấy yêu nghề hơn và sẵn sàng bỏ công sức ra để theo đuổi lâu dài.

Trái lại với phiên dịch, biên dịch lấy chất xám và công sức của người dịch trong một khoảng thời gian dài hơn. Đôi khi để chọn 1 từ thật “đắt” để làm sáng lên thông điệp của cả một đoạn, người dịch phải vắt kiệt óc trong vài ngày thậm chí vài tuần. Nói biên dịch viên là nghệ sĩ của những con chữ quả là chẳng sai. Ngoài am hiểu văn hóa, kiến thức chung ra còn phải dịch sao cho đúng “tone of voice” của tác giả. Điều mà không phải một sớm một chiều là có thể nhuẫn nhuyễn được. Những dịch giả nổi tiếng của những tác phẩm kinh điển đều là người HAM ĐỌC và HAM HỌC. Mỗi tác phẩm dịch thuật ra đời không đơn thuần là văn bản của những con chữ, đó thật sự là đứa con tinh thần thứ 2, 3 của họ. Nơi dịch giả bỏ rất nhiều công sức, mồ hôi, đôi khi là cả nước mắt nữa

Biên dịch viên là người cho đi nhiều hơn nhận lại

Hồi mới ra trường đi dịch triển lãm lần đầu tiên mình có theo học hỏi một đàn anh rất năng nổ trong ngành. Anh ấy ngoài giỏi tiếng ra thì rất nhiệt tình trong việc chia sẻ địa chỉ các quán ăn Việt Nam nào ngon và sạch, giá cả hợp lý cho người nước ngoài. Đi chợ Bến Thành thì trả giá làm sao để không bị hớ, đi bộ ở con đường lớn nội thành thì phải cẩn thận ra sao. Ảnh cũng mua những món quà lưu niệm nhỏ nhỏ của Việt Nam để tặng lại khách hàng. Và tất nhiên đàn anh này được khách hàng đánh giá cao. Khách cũ giới thiệu khách mới. Điều đáng quý là anh vẫn giữ tác phong và cách làm việc nhiệt tình, cho nhiều hơn nhận đến tận bây giờ. Con đường sự nghiệp của anh không mấy nổi bật như nhiều đồng nghiệp khác nhưng chưa bao giờ phải thất nghiệp hay vác CV khi xin việc khắp nơi.

Bạn có một hoặc cả ba đặc điểm trên chứ? Chúc mừng bạn! Nếu chưa, không sao cả. Thời điểm tốt nhất để bạn trang bị cho mình là khi vừa bước vào sự nghiệp biên phiên dịch. Thời điểm tốt thứ nhì là NGAY B ÂY GIỜ! Đừng bắt mình phải trở thành một biên dịch viên hay phiên dịch viên chuyên nghiệp hay có thể làm trơn tru tất cả các job ngay từ đầu. Đây là công việc không dành cho người nóng vội hay mong muốn sau một đêm là mình có thể xuất sắc ngay lập tức. Chỉ cần bạn nỗ lực sao cho tốt hơn chính mình 1% của ngày hôm qua là được. Sau 30 ngày, 30 tuần rồi 30 tháng, bạn nhẩm ra mình đã tiến bộ hơn bao nhiêu rồi chứ! Nào, ngồi dậy và bắt tay vào hành động đi thôi!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *