Lịch sử công chứng Việt Nam (Phần 1)

lịch sử công chứng trước năm 1945

Nước ta có hoạt động công chứng xuất hiện tương đối sớm, từ thời kì Pháp thuộc cho đến nay hoạt động công chứng không ngừng phát triển. Để có sự phát triển như ngày hôm nay, hoạt động công chứng đã trải qua quá trình hình thành, phát triển gắn liền với quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Để hiểu rõ hơn về quá trình này mời anh chị cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Giai đoạn Pháp thuộc đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945

Hoạt động công chứng chính thức xuất hiện ở nước ta kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Trong giai đoạn này, hoạt động công chứng chủ yếu áp dụng theo mô hình của Pháp nhằm phục vụ cho chính sách cai trị của Pháp tại Đông Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng với Sắc lệnh ngày 24 tháng 8 năm 1931 của Tổng thống Cộng hòa Pháp về tổ chức công chứng (được áp dụng ở Đông Dương theo quyết định ngày 7 tháng 10 năm 1931 của Toàn quyền Đông Dương P.Pasquies). Theo đó, người thực hiện công chứng là công chứng viên mang quốc tịch Pháp do Tổng thống Pháp bổ nhiệm và giữ chức vụ suốt đời. Công chứng viên hoạt động với tư cách là người thi hành công vụ, hoạt động mang tính chất của người hành nghề tự do. Khi đó ở Việt Nam chỉ có một văn phòng công chứng tại Hà Nội, ba văn phòng công chứng ở Sài Gòn, ngoài ra ở các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định thì việc công chứng do Chánh lục sự Tòa án sơ thẩm đảm nhiệm.

lịch sử công chứng trước năm 1945
lịch sử công chứng trước năm 1945

Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến năm 1954

Cách mạng tháng 8 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn lúc bấy giờ Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn không quên việc giải quyết các vấn đề về thể chế. Ngày 1 tháng 10 năm 1945 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đã ký quyết định về một số vấn đề liên quan đến hoạt động công chứng như: bãi chức công chứng viên người Pháp tên Deroche tại văn phòng công chứng, bổ nhiệm một công chứng viên người Việt Nam là ông Vũ Quý Vỹ đang là luật sư tập sự tại Tòa thượng thẩm Hà Nội thay thế cho công chứng viên người Pháp tại Hà Nội, những quy định cũ về công chứng của Pháp vẫn được áp dụng, trừ những quy định trái với chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thời kỳ này, công chứng viên phải chịu trách nhiệm và chịu sự kiểm tra, giám sát của các Ủy ban hành chính các cấp.

Như vậy có thể thấy rằng tổ chức công chứng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là sự kế thừa tổ chức công chứng của Pháp để lại. Điểm mới của thể chế công chứng này được thể hiện ở chỗ: Đó là thể chế công chứng của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công chứng viên là người Việt Nam và đây cũng là lần đầu tiên trong một văn bản pháp lý nhà nước ta đã sử dụng thuật ngữ “công chứng”.

Để đáp ứng các nhu cầu giao dịch dân sự của nhân dân, ngày 15 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 59/SL quy định thể lệ về thị thực các giấy tờ với nội dung trình tự thủ tục thị thực giấy tờ cho công dân trong giao lưu dân sự như mua bán, trao đổi, chứng nhận địa chỉ cụ thể của một người tại địa phương. Xét về nội dung đây chỉ là một thủ tục hành chính càng về sau việc áp dụng Sắc lệnh 59/SL càng mang tính hình thức, chủ yếu là xác nhận ngày, tháng, năm chữ ký và địa chỉ thường trú của đương sự.

lịch sử công chứng sau năm 1945
lịch sử công chứng sau năm 1945

Ngày 29 tháng 2 năm 1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thêm Sắc lệnh 85 quy định về thể lệ trước bạ về các việc mua, bán, cho, đổi nhà cửa, ruộng đất. Do hoàn cảnh lịch sử bây giờ nên Sắc lệnh 85 chỉ áp dụng đối với những vùng tự do hoặc những vùng thuộc Ủy ban kháng chiến. Cũng theo Sắc lệnh này, Ủy ban kháng chiến cấp xã hoặc xã được nhận thực vào văn tự theo hai nội dung: nhận thực chữ ký của các bên mua, bán, cho, đổi nhà cửa, ruộng đất và nhận thực người đứng ra bán, cho, đổi là chủ của những nhà cửa, ruộng đất đem bán trao đổi. Có thể thấy rằng hoạt động công chứng trong giai đoạn này không được phát triển do các nguyên nhân cụ thể sau:

  • Hoàn cảnh đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt đặc biệt là nền kinh tế nước nhà giai đoạn này rất kém phát triển.
  • Nhà nước ta lúc này không chấp nhận chế độ sở hữu của các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh và tập thể, trong khi đó hoạt động công chứng lại chủ yếu chứng thực các quan hệ sở hữu tư nhân; mọi giao lưu kinh tế, dân sự chủ yếu được xác lập theo quan hệ hành chính, thương mại gần như không phát triển. Do vậy, nên các tổ chức công chứng không được thành lập trong giai đoạn này.

Xem thêm: Hiểu chính xác về công chứng

Giai đoạn từ năm 1954 đến trước năm 1991

Giai đoạn từ năm 1954 đến 1981 có rất ít quy phạm điều chỉnh hoạt động công chứng, chứng thực. Đến năm 1981 có Nghị định 143 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở của Nghị định 143, năm 1987 có Thông tư 574/QLTP quy định về công tác công chứng nhà nước được ban hành cùng với nó là sự ra đời của phòng công chứng TP. Hồ Chí Minh, phòng công chứng Hà Nội và một số phòng công chứng ở địa bàn khác, công tác công chứng, chứng thực của Ủy ban nhân dân cũng được kiện toàn. Sau đó, để tạo điều kiện hơn nữa cho các địa phương tiếp cận với hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng, tại thời điểm này chủ thể duy nhất thực hiện công chứng là phòng công chứng. Căn cứ vào những văn bản này thì các tỉnh thành trên cả nước đã lập ra các phòng công chứng dần hình thành mạng lưới các phòng công chứng trên cả nước.

Tại Miền Nam Việt Nam sau hiệp định Gionevơ 1954, công chứng dưới thời Ngụy – Sài Gòn được điều chỉnh bởi Dụ 43 ngày 29/11/1954 quy định về ngạch Chưởng khế (ngạch chưởng khế là người Việt Nam) do Bảo Đại ký với tư cách là Quốc trưởng. Mục đích là thiết lập trong mỗi quản hạt của mỗi Tòa sơ thảm thuộc Bộ Tư pháp một phòng công chứng, nhưng trên thực tế chỉ thiết lập được một phòng công chứng hoạt động tại Sài Gòn và tồn tại đến năm 1975.

Đọc tiếp phần 2 tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *