Sinh viên ngành ngôn ngữ cần hành trang gì cho bản thân sau khi ra trường, và làm việc ở đâu thích hợp nhất? Sau khi ra trường làm gì, dự định làm ở đâu luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với tất cả các sinh viên hiện nay. Vậy bạn đã có những định hướng gì cho tương lai chưa? Sau đây mình xin nêu một vài quan điểm cá nhân cũng như cách nhìn nhận của bản thân đối với vấn đề tìm việc của sinh viên sắp ra trường nói chung và sinh viên ngành ngôn ngữ nói riêng.
Sau khi tốt nghiệp, đối với những bạn ra trường với tấm bằng giỏi sẽ là tấm vé đầu tiên giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tìm được một công việc tốt, và được các nhà tuyển dụng chào đón và đánh giá cao.
Ngược lại đối với các bạn có học lực trung bình- khá, tấm bằng đại học sẽ là một hạn chế không nhỏ đối với bạn xin việc ở một cơ quan, hay doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là “điều kiện cần” để có một công việc tốt thôi, ngoài bằng cấp còn cần rất nhiều những yếu tố khác giúp bạn trở nên nổi trội hơn các ứng viên khác, thu hút nhà tuyển dụng.
Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 các hoạt động diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Nếu bạn không thích ứng được với nó lẽ dĩ nhiên bạn sẽ bị đào thải. Dó đó, tất cả những sinh viên sắp ra trường như chúng ta cần rèn luyện những kỹ năng thực tiễn nhiều nhất có thể.
Đối với tân sinh viên, bước vào cách cổng đại học như mở ra một chân trời mới đầy hoài bão ước mơ với một tương lai tươi sáng. Nhưng với sinh viên sắp ra trường đồng nghĩa với cách cổng đại học khép lại, mở ra một ngưỡng cửa mới với đầy thử thách chông gai đang chờ phía trước.
Cũng như các bạn, mình cũng đang là sinh viên năm cuối ngành ngôn ngữ, nỗi lo không tìm được một công việc tốt luôn canh cánh trong mình trong thời gian này. Trong thời đại mà mức độ cạnh tranh công việc ngày càng cao như bây giờ đòi hỏi sinh viên cần trang bị tốt cho mình rất nhiều kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm để không phải bỡ ngỡ trước khi bước vào đời.
Bạn đã hành trang cho bản thân những gì để bước vào đời sau những ngày tháng vô lo vô nghĩ thời sinh viên, lựa chọn hướng đi nào cho ngã rẻ mới này?
Điều tiên quyết mà bạn cần có để có một công việc tốt ngành ngôn ngữ là kiến thức chuyên môn, mặc dù trên giảng đường chúng ta chủ yếu học lý thuyết nhưng nó sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với công việc mà nơi làm việc yêu cầu. Ngành ngôn ngữ là một ngành vô cùng rộng, đòi hỏi sinh viên phải không ngừng cố gắng, nỗ lực học hỏi. Bên cạnh học kiến thức nền tảng vững chắc bạn cũng cần bổ trợ cho mình thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục cũng như kiến thức thực tiễn… Học ngoại ngữ không bao giờ sợ thất nghiệp nếu bản thân bạn biết tận dụng các kỹ năng ngoại ngữ của mình vào những công việc cụ thể.
Một yếu tố không thể không kể đến đối với sinh viên nói chung và sinh viên ngành ngôn ngữ nói riêng đó là kỹ năng mềm như kĩ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm…Kỹ năng giao tiếp là điều đầu tiên bạn gây ấn tượng đối với mọi người xung quanh, nằm ở việc bạn quan sát, lắng nghe, thuyết phục đối phương như thế nào… Những kỹ năng này giúp bạn chủ động và làm việc hiệu quả, dễ dàng hòa nhập vào môi trường chuyên nghiệp của các doanh nghiệp đa quốc gia.Hiện nay dù làm việc ở đâu, cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì kỹ năng tin học văn phòng vô cùng quan trọng với sinh viên ngành ngôn ngữ. Hơn nữa hầu hết các công ty nước ngoài đều sử dụng văn bản đối với hợp đồng, báo cáo… nên sinh viên cần trang bị cho mình kỹ năng viết một văn bản hoàn chỉnh trước khi trở thành nhân viên. Thêm nữa, cải thiện tốc độ đánh máy cũng như soát chính tả là một vấn đề mà sinh viên cần lưu ý khi muốn làm việc tại văn phòng. Khi bạn chuẩn bị sẵn những kĩ năng cần thiết này trước khi bước vào các doanh nghiệp sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả cũng như gây được thiện cảm đối với cấp trên.Vậy nên trước khi rời khỏi ghế nhà trường, các bạn sinh viên đặc biệt là sinh viên năm cuối cần chuẩn bị tốt cho mình những kĩ năng tin học văn phòng cơ bản để không ảnh hưởng đến công việc sau này.
Cơ hội việc làm nào cho sinh viên ngành ngôn ngữ?
Ngoại ngữ là chìa khóa giúp chúng ta có thể chủ động tìm hiểu về kiến thức, công nghệ, xu hướng mới hay văn hóa của một quốc gia. Cũng có thể nói, học ngoại ngữ là “học một ngành làm nhiều nghề”.
Ngành ngôn ngữ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm tốt cho sinh viên, đồng thời cũng đòi các ứng viên phải đáp ứng rất nhiều những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Bạn sắp ra trường nhưng đang không biết nên chọn công việc gì phù hợp với bản thân. Theo quan điểm và quan sát của cá nhân, mình sẽ đưa ra một vài yếu tố để chúng ta dễ dàng hơn trong công cuộc tìm việc cho các tân cử nhân nhé.
Đầu tiên bạn cần xác định muốn làm cho ai, cơ quan, tổ chức như thế nào? Ngày nay, trong xu thế hội nhập toàn cầu,rất nhiều công ty đa quốc gia mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sắp ra trường. Bên cạnh đó, các công việc trong các cơ quan nhà nước cũng khồng hề ít.
- Đối với những bạn thích sự an toàn và ổn định thì làm việc tại các cơ quan nhà nước sẽ là lựa chọn tốt nhất, nó mang lại một số lợi ích như: thời gian làm việc tại đây luôn cố định, bạn không phải dành thời gian để tăng ca cho nên thời gian dành cho bản thân và gia đình sẽ nhiều hơn đối với bạn làm việc tại doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, môi trường làm việc tại cơ quan nhà nước sẽ không có tính cạnh tranh cao, ít gây áp lực cho nhân viên, cán bộ…. Ngoài ra, lương hưu là một trong những lợi thế khi làm việc cho các cơ quan nhà nước. Sau khi bạn đã cống hiến hết mình những tháng năm tuổi trẻ cho nhà nước thì khi về già, các cán bộ, công chức viên chức có thể dựa vào lương hưu để sống chứ ko cần lo lắng về vấn đề tài chính sau khi nghỉ hưu nữa. Như mọi người đã biết cái gì cũng có nhiều mặt, tất nhiên, làm việc ở các cơ quan nhà nước cũng có một vài nhược điểm. Trước tiên, muốn làm cho các cơ quan nhà nước bạn phải thi tuyển mới có cơ hội làm ở đây, tuy nhiên, tại một số khu vực ở nước ta vẫn có truyền thống như phải có sự quen biết hoặc có điều kiện nhất định mới có được vị trí làm việc trong nhà nước. Tiếp theo, khi bạn chấp nhận làm việc cho nhà nước thì mức lương cơ bản cho các công chức, viên chức khá là thấp. Nếu bạn là người quản lí tài chính tốt và chi tiêu tiết kiệm thì làm trong nhà nước sẽ phù hợp với bạn, ngược lại, những bạn quản lí chi tiêu kém và muốn lương cao thì không nên chọn công việc này. Một điều phải nhắc đến mỗi khi nói đến làm việc tại cơ quan nhà nước đó là hạn chế tư duy và ít cạnh tranh cộng với mức độ thăng tiến thấp. Vì làm việc trong doanh nghiệp nhà nước nên tính chất công việc thường lặp đi lặp lại và không đòi hỏi tính sáng tạo dễ gây nhàm chán. Đối với sinh viên mới ra trường, liệu bạn có thể kiên trì chờ đợi đến tận 40 tuổi mới có thể lên một chức cao hơn mức hiện tại một chút không? Theo quan điểm cá nhân mình, làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước sẽ thích hợp với những bạn ưa sự ổn định, không cạnh tranh, không áp lực, biết chi tiêu… Với những ưu nhược điểm mình kể trên, các bạn đã có lựa chọn gì đối với nơi làm việc trong tương lai?
- Đối những bạn thích làm việc trong môi trường quốc tế, tham vọng trong công việc, thích giao lưu học hỏi thì các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn đa quốc gia là lựa chọn hàng đầu. Khi làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài với quy mô vừa và nhỏ, nếu bạn có khả năng đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc, có năng lực và chứng minh được năng lực của mình sẽ giúp bạn dễ dàng trở thành một mảnh ghép không thể thiếu cho doanh nghiệp. Cùng với đó cơ hội thăng tiến trong công việc cao là điểm mạnh thu hút sinh viên ngành ngôn ngữ là vô cùng lớn. Mức lương cao đến từ các nhà tuyển dụng của các tập đoàn lớp là sức hấp dẫn không thể nào chối từ đối với các ứng viên mới tốt nghiệp. Đồng nghĩa với nhận được mức thù lao lớn cũng đòi hỏi năng lực của bạn phải xuất sắc, các cá nhân trong công ty đều không ngừng cạnh tranh để có một vị trí tốt nhất cho mình. Bên cạnh đó, làm việc tại các công ty nước ngoài giúp bạn mở rộng nhiều mối quan hệ, có thể giúp đỡ bạn trong công việc sau này. Đi cùng với những lợi ích to lớn mang lại khi làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài thì nó vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Mức lương hấp dẫn sẽ luôn đi cùng với áp lực vô cùng lớn, tính cạnh tranh rất cao, quá trình đào thải và thay thế diễn ra thường xuyên, rất nhiều những thách thức mà bạn phải vượt qua trong khi làm việc tại đây cho nên nếu bạn đủ bản lĩnh, đủ tham vọng, chịu được áp lực cao, không ngừng nâng cao kiến thức và năng lực của bản thân thì điều này không thể làm khó bạn được, ngược lại thì chúng ta không nên lựa chọn những điều quá sức với mình. Trái với làm việc tại các cơ quan nhà nước, tăng ca là chuyện bình thường tại công ty tư nhân, bạn có thể phải làm thêm giờ, có những chuyến công tác đột xuất hay những cuộc họp bất ngờ. Điều này đòi hỏi bạn phải biết quản lý thời gian tốt giữa công việc và sinh hoạt đời sống hằng ngày. Tóm lại, với những bạn trẻ, sinh viên mới ra trường thích khám phá giới hạn của bản thân, không ngại khó, chịu được áp lực trong công việc thì làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn là một trải nghiệm vô cùng thú vị và mang lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu.
Tiếp theo, chúng ta cần xác định bản thân yêu thích gì, đam mê gì, loại công việc như thế nào? Bạn là người hướng nội, có thể làm việc độc lập, kỹ năng tin học tốt thì mình nên chọn những công việc không cần di chuyển nhiều như biên dịch viên tại các công ty nước ngoài hoặc phòng dịch thuật, biên tập viên của các tòa báo, copywriter cho công ty quảng cáo,… Bạn là người thích khám phá, thích xê dịch, thích giao tiếp với mọi người, thích làm việc trong môi trường năng động thì mình có thể chọn công việc như hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, xuất nhập khẩu, nhân sự, giảng viên…hoặc làm cho các doanh ngiệp nước ngoài.
Sau đó, mức lương và phúc lợi nhận được khi vào làm việc cho các doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để chọn nơi làm việc phù hợp. Là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn phải trải qua quá trình thử việc rồi mới có cơ hội cân nhắc lên làm việc chính thức. Hơn nữa khi thử việc bạn phải chấp nhận mức lương mình nhận được chỉ từ 70-80% lương chính thức, và như mình đã đề cập ở trên, mức lương cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào năng lực cũng như nơi bạn làm việc. Sau quá trình thử việc và trở thành nhân viên chính thức, nếu bạn làm việc có hiệu suất, mang lại thành công cho công ty thì hãy đề xuất tăng lương với sếp một cách nhã nhặn, đúng thời điểm. Hơn hết, không nên đòi hỏi lương quá mức so với những việc mà bạn đã cống hiến cho công ty, nên đề xuất một con số khả dĩ có thể yêu cầu.
Cuối cùng, thời gian làm việc cũng là yếu tố cần được cân nhắc khi tìm việc. Với những bạn sinh viên sắp ra trường, thời gian làm việc nhiều hay ít sẽ giúp bạn trở thành người như thế nào sau vài năm nữa. Bạn làm việc chăm chỉ, dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, không ngừng nâng cao vốn hiểu biết của mình sẽ mang lại cho bạn rất nhiều điều mà bạn chưa từng nghĩ đến. Với thời còn là sinh viên, hôm nào trời lạnh quá thì nghỉ một buổi, hôm nào mưa to quá thì lại nghỉ một buổi, thời gian học hành và vui chơi thoải mái.Trong khi đó, khi làm làm việc trong môi trường doanh nghiệp, dù nắng hay mưa, dù lạnh hay nóng thì bạn vẫn phải đến công ty để làm việc chứ không thể tùy tiện nghỉ như khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bạn muốn đi theo con đường nào, ngành nghề gì, nó có chắc chắn hay không đều do bạn quyết định
Những ngày tháng cuối thời sinh viên, mình thường nghe nhiều câu hỏi “ học ngành ngôn ngữ A, B, C thì ra trường làm nghề gì?” Mình thấy dù bất kể ngành nghề nào thì đều do bản thân mình chủ động nắm bắt và quyết định, không ai có thể giúp mình cả.
Nếu nói cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ là “mảnh đất màu mỡ” thì sinh viên ngành ngôn ngữ là người khai thác mảnh đất màu mỡ này. Nhưng làm thế nào để khai thác nó một cách có hiệu quả thì phải phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Vậy nên, chúng ta, những chiến sĩ sắp bước vào một cuộc đua mới cần không ngừng học tập, phát triển bản thân về mọi mặt để theo kịp với xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Những bạn vẫn dành thời gian xem phim Hàn Quốc, đọc truyện ngôn tình Trung Quốc hay cày game hằng ngày hãy suy nghĩ lại liệu mình có nên dừng nó lại trước khi quá muộn không? Đừng ngồi đó rồi suy nghĩ một tương lai tươi sáng với mình trong khi mình chẳng làm gì cả. Thành công không đến với kẻ lười biếng!
Có bao giờ bạn tự hỏi “mình sẽ đứng ở đâu, vị trí gì sau 10 năm nữa” không?
Điều đó sẽ phụ thuộc vào hành động của bạn, tôi, chúng ta ngay bây giờ. Chúc các bạn và chính tôi may mắn và thành công!