Văn phòng công chứng và phòng công chứng đều là những tổ chức hành nghề công chứng được quy định tại Luật công chứng năm 2014. Tuy nhiên, hai khái niệm này về cơ bản có sự khác nhau trên nhiều khía cạnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp anh/chị hiểu rõ những điểm khác biệt giữa Văn phòng công chứng và Phòng công chứng.
Những điểm giống nhau phòng công chứng và văn phòng công chứng.
Với tư cách là những tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng công chứng và phòng công chứng cơ bản có sự giống nhau về chức năng, nhiệm vụ: Đều thực hiện việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (do pháp luật quy định hoặc do cá nhân, tổ chức có yêu cầu công chứng)
Những điểm khác nhau giữa phòng công chứng và văn phòng công chứng.
Luật công chứng năm 2014 có những quy định rõ ràng, cụ thể về hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng này (Văn phòng công chứng, Phòng công chứng). Qua đó, chúng tôi có thể chỉ ra những điểm khác biệt cụ thể như sau:
Địa vị pháp lý
Văn phòng công chứng
Là tổ chức (cung cấp) dịch vụ công thay mặt Nhà nước trong việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch dân sự khác, có con dấu và tài khoản riêng và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính (nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác). Khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 quy định cho phép văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động như một loại hình công ty hợp danh.
Phòng công chứng
Trích dẫn tại khoản 2 điều 19: “Là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng”
Tên gọi
Về tên gọi, theo Khoản 3 Điều 19 và Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 có quy định rõ về cách đặt tên gọi của các tổ chức hành nghề theo công thức cụ thể như sau:
+ Văn phòng công chứng
“Văn phòng công chứng” + “Họ tên của Trưởng văn phòng hoặc một công chứng viên hợp danh khác của văn phòng” (do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận)
Lưu ý: tên gọi của các tổ chức hành nghề công chứng không được có sự trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với nhau, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
+ Phòng công chứng
“Phòng công chứng” + “Số thứ tự thành lập” + “tên Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương” (nơi thành lập phòng công chứng).
Cơ cấu
Văn phòng công chứng
Cơ cấu Văn phòng công chứng bao gồm: từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không bao gồm thành viên góp vốn. Trường phòng của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh tự bầu, tự thỏa thuận trong các công chứng viên hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng phòng của văn phòng (bắt buộc đáp ứng điều kiện là công chứng viên hợp danh, đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên).
Phòng công chứng
Cơ cấu Phòng công chứng bao gồm: các công chức, viên chức (hưởng chế độ lương theo đơn vị sự nghiệp công lập), trưởng phòng Phòng công chứng (là công chứng viên do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm/miễn nhiệm/cách chức).
Trong đó, Trưởng phòng là người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng.
Nguyên tắc thành lập
Đối với việc thành lập mới thì Phòng công chứng chỉ được phép thành lập mới tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được Văn phòng công chứng.
Chủ thể thành lập
Văn phòng công chứng
Do các công chứng viên hợp danh đề nghị thành lập (Điều 23 Luật công chứng năm 2014)
Phòng công chứng
Do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập (Điều 20)
Căn cứ thành lập
Văn phòng công chứng
Căn cứ hồ sơ đề nghị của các công chứng viên hợp danh, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập văn phòng công chứng.
Phòng công chứng
Căn cứ vào nhu cầu công chứng của địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Phòng công chứng dựa trên đề án do Sở Tư pháp (phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ) xây dựng, trình UBND tỉnh.
Người thực hiện công chứng
Người thực hiện hoạt động công chứng tại Văn phòng công chứng bắt buộc phải là công chứng viên. Còn đối với Phòng công chứng thì việc này có thể được thực hiện bởi công chứng viên hoặc không phải công chứng viên.
Trên đây là những điểm giống và khác nhau giữa Văn phòng công chứng và Phòng công chứng. Về cơ bản thì chức năng và nhiệm vụ của hai tổ chức hành nghề công chứng này là giống nhau, giá trị pháp lý của văn bản công chứng/chứng thực là bằng nhau. Anh/chị có thể tìm đến Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng gần mình nhất để thực hiện yêu cầu, đề nghị công chứng/chứng thực những văn bản, giấy tờ cần thiết